Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện Bắc Hà
Lượt xem: 716

         Từ năm 2014, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) huyện Bắc Hà có thêm chức năng đào tạo nghề nghiệp ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; liên kết đào tạo nghề trình độ trung cấp; hướng nghiệp và giới thiệu việc làm. Từ đó đến nay, công tác đào tạo nghề tại trung tâm không ngừng được nâng cao, phát huy hiệu quả, tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động nông thôn tại địa phương.

         Đến nay, cơ sở vật chất của Trung tâm GDNN-GDTX Bắc Hà nay đã từng bước được đầu tư, tạo nên diện mạo mới khang trang, hiện đại hơn. Năm học 2022-2023, Trung tâm tiếp tục duy trì 06 lớp nghề Trung cấp theo chương trình liên kết đào tạo với Trường Cao đẳng Lào Cai cho các em học sinh vừa học chương trình GDTX vừa học nghề. Được biết, lực lượng lao động qua đào tạo của huyện đến hết năm 2021 còn thấp. Trong tổng số 41.894 người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động chỉ có 13.354 người đã được đào tạo nghề từ dưới 3 tháng trở lên, chiếm  31.87% tổng lực lượng lao động. Như vậy, nguồn nhân lực của huyện trẻ và dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật còn thấp.

      Chính vì vậy, với chức năng nhiệm vụ được giao, để công tác giáo dục, đào tạo nghề đạt hiệu quả. Trong những năm qua, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bắc Hà đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, dựa trên chiến lược phát triển kinh tế của huyện tổ chức điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề, xác định các nghề đào tạo, thực hiện tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho lao động; chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện đáp ứng nhu cầu đào tạo, chiêu sinh; liên kết với các trường mở các lớp dạy nghề phù hợp với khả năng của người học. Ông Nguyễn Phong Vũ - Giám đốc trung tâm GDNN – GDTX huyện Bắc Hà cho biết: Thời gian qua, được sự chỉ đạo của UBND huyện cũng như sự phối hợp, giúp đỡ của các phòng ban của huyện. Trung tâm GDNN – GDTX đã chủ động phối hợp với UBND các xã trên địa bàn huyện để thực hiện công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đồng thời, phối hợp tổ chức tư vấn, giới thiệu, tuyên truyền định hướng và thực hiện đào tạo các loại hình đào tạo nghề ngắn hạn gắn với giải quyết việc làm ngay cho lao động nông thôn tại địa phương.

anh tin bai

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Trung tâm

         Bên cạnh đó, thực hiện công tác đào tạo nghề từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong những năm gần đây, Trung tâm GDNN & GDTX huyện Bắc Hà đã phối hợp với chính quyền các địa phương mở được trên 20 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động địa phương, tập trung vào các ngành nghề đang xu hướng hiện nay như xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi – thú y, du lịch…..tiêu biểu như anh  Sền Văn Hùng cùng 35 học viên đều là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thôn Nậm Lúc Hạ, xã Nậm Lúc được đào tạo nghề xây dựng theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Lớp học được mở ngay tại nhà văn hóa thôn, phần lý thuyết ngắn gọn, chủ yếu là thực hành. Qua đó giúp anh Hùng và các học viên thêm tự tin để sau này có thể thiết kế, thi công những ngôi nhà xây tại địa phương.

anh tin bai

Anh Sền Văn Hùng đã thành lập được đội nhóm xây dựng tại địa bàn xã Nậm Lúc

         Trong thời gian tới, để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương thực sự đem lại hiệu quả, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Bắc Hà sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của đào tạo nghề; thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo; tổ chức tuyển sinh theo đúng đối tượng; tăng cường phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp gắn dạy nghề với các chương trình hỗ trợ khác như vay vốn phát triển sản xuất và giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo.

         Với những giải pháp cụ thể về công tác đào tạo nghề, đến nay, lĩnh vực này đã có chuyển biến tích cực. Từ chỗ người dân học theo phong trào, học chỉ để cho biết, đã chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, để nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, có năng suất thu nhập cao hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương./.
Ngọc Thủy
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1